Những nguyên tắc đạo đức trong giảng dạy đại học

Tác giả: Nguồn: Báo Tia sáng

 
Carole HuynhNhững nguyên tắc đạo đức trong giảng dạy đại học được Society for Teaching and Learning in Higher Education (STLHE) xây dựng là một tập hợp những nguyên tắc đạo đức căn bản xác định trách nhiệm nghề nghiệp của các giáo sư đại học trong vai trò giảng viên, được xây dựng dưới dạng những hướng dẫn chung, những tiêu chuẩn lý tưởng, hay những kỳ vọng. Chúng cần phải được xét đến trong khi thiết kế và phân tích công việc giảng dạy, cùng với những điều kiện và hoàn cảnh liên quan khác; những nguyên tắc này không phủ nhận quyền tự do học thuật, mà thay vào đó, nó mô tả những cách khác nhau để thực hành quyền tự do học thuật một cách có trách nhiệm.

Năng lực về nội dung giảng dạy

Giảng viên đại học phải duy trì vốn hiểu biết về nội dung giảng dạy ở tầm mức cao và bảo đảm nội dung khoá học luôn được cập nhật, chính xác, tiêu biểu, và phù hợp với vị trí của khoá học xét trong toàn bộ chương trình học của sinh viên.

Để đạt được năng lực về nội dung giảng dạy, giảng viên phải chủ động cập nhật các lĩnh vực nội dung liên quan đến những khoá học mà mình giảng dạy; nắm được nội dung của các khoá học mà sinh viên phải học trước khi theo học khoá này cũng như các khoá học sử dụng khoá học hiện tại như là yêu cầu tiên quyết; và phải cung cấp một lượng phù hợp những kiến thức tiêu biểu về các chủ đề và quan điểm quan trọng.

Những ví dụ cụ thể về việc không thực hiện nguyên tắc này bao gồm trường hợp giảng viên dạy những môn học mà mình không có đủ nền tảng kiến thức, diễn giải sai các bằng chứng nghiên cứu để ủng hộ một lý thuyết hay một chính sách mà mình tán thành, hay giảng viên chỉ dạy những chủ đề mà mình quan tâm trong khi người đó có trách nhiệm dạy một khoá học làm nền tảng cho những khoá học khác.

Năng lực sư phạm

Giảng viên có năng lực sư phạm là người nắm được các phương pháp hay chiến lược giảng dạy khác nhau khi truyền đạt những mục tiêu của khoá học cho sinh viên, và lựa chọn những phương pháp giảng dạy giúp sinh viên đạt được những mục tiêu của khoá học một cách hiệu quả.
Để duy trì năng lực sư phạm, giảng viên phải tích cực cập nhật các chiến lược giảng dạy nhằm giúp sinh viên học các kiến thức và kỹ năng phù hợp và tạo ra các cơ hội giáo dục bình đẳng cho các nhóm sinh viên khác nhau. Điều này đòi hỏi giảng viên phải đọc nhiều tài liệu giáo dục tổng quan hay chuyên ngành, tham dự hội thảo, hội nghị, và thử nghiệm các phương pháp giảng dạy khác nhau trong một khoá học nhất định hay với một nhóm sinh viên nhất định.
Những ví dụ cụ thể về việc không thực hiện nguyên tắc này bao gồm việc sử dụng phương pháp giảng dạy hoặc đánh giá không phù hợp với các mục tiêu đã nêu của khoá học (ví dụ, đề thi chỉ bao gồm những câu hỏi đánh giá khả năng ghi nhớ dữ kiện trong khi mục tiêu chính của khoá học là dạy các kỹ năng giải quyết vấn đề), và không tạo đủ cơ hội cho sinh viên thực hành hay học những kỹ năng nêu trong mục tiêu của khoá học và sẽ được kiểm tra trong kỳ thi cuối khoá.

Xử lý các chủ đề nhạy cảm

Các chủ đề có thể khiến sinh viên cảm thấy khó chịu hoặc nhạy cảm phải được xử lý một cách cởi mở, trung thực, và tích cực.
Nguyên tắc này còn có nghĩa là giảng viên cần nêu rõ cách nhìn nhận của mình về vấn đề và so sánh quan điểm đó với những cách tiếp cận hay cách lý giải khác, từ đó giúp sinh viên hiểu tính phức tạp của vấn đề và những khó khăn trong việc đạt tới một kết luận “khách quan” duy nhất. Cuối cùng, để tạo một môi trường cởi mở và an toàn cho thảo luận trong lớp, giảng viên mời tất cả các sinh viên nêu quan điểm của mình về vấn đề này, nêu ra các quy định nền tảng để thảo luận, tôn trọng các sinh viên thậm chí cả khi cần phải bày tỏ ý kiến bất đồng, và khuyến khích các sinh viên tôn trọng nhau.
Một ví dụ về chủ đề nhạy cảm là trường hợp một bộ phim có chiếu các cảnh lạm dụng trẻ em trong một lớp tâm lý học phát triển mà không báo trước. Nếu một bộ phim như vậy có giá trị sư phạm, thì sự bực bội và khó chịu của sinh viên có thể được giảm đến mức tối thiểu nếu giảng viên nói trước với sinh viên về nội dung của bộ phim, giải thích tại sao bộ phim được đưa vào chương trình học, và tạo cơ hội cho sinh viên trao đổi cảm nghĩ của mình về bộ phim đó.

Sự phát triển của sinh viên

Trách nhiệm bao trùm của giảng viên là góp phần vào sự phát triển trí tuệ của sinh viên, ít nhất là trong lĩnh vực chuyên môn của mình, và tránh những việc như lợi dụng và phân biệt đối xử làm ảnh hưởng đến sự phát triển của sinh viên.
Theo nguyên tắc này, trách nhiệm cơ bản nhất của giảng viên là thiết kế việc giảng dạy làm sao để thúc đẩy việc học và khuyến khích khả năng tự quyết và tư duy độc lập ở sinh viên, đối xử với sinh viên với sự tôn trọng và đề cao phẩm giá, tránh các hành động làm ảnh hưởng đến sự phát triển của sinh viên. Việc thiếu trách nhiệm đối với sự phát triển của sinh viên thể hiện trong trường hợp giảng viên lên lớp mà không chuẩn bị đầy đủ, không thiết kế được cách giảng dạy hiệu quả, buộc sinh viên phải chấp nhận một giá trị hay một quan điểm nào đó, hoặc không thảo luận về các cách diễn giải lý thuyết khác nhau (xem thêm Nguyên tắc 1, 2, và 3).
Các ví dụ ít rõ ràng hơn về việc thiếu trách nhiệm đối với sự phát triển của sinh viên có thể gồm những trường hợp giảng viên làm ngơ đối với sự khác biệt về quyền hạn giữa họ với sinh viên và xử sự theo kiểu lợi dụng hay hạ thấp giá trị của sinh viên. Những hành vi này bao gồm phân biệt đối xử theo giới tính hay sắc tộc; nhận xét mỉa mai về sinh viên; nhận mình là tác giả chính hay tác giả duy nhất của một ấn phẩm báo cáo kết quả nghiên cứu do sinh viên nêu ra, thiết kế, và thực hiện; không thừa nhận những điểm vay mượn về mặt học thuật hay trí tuệ từ sinh viên; và giao cho sinh viên các công trình nghiên cứu phục vụ cho những nhu cầu của giảng viên mà không liên quan đến những mục tiêu giáo dục của khoá học.
Trong một số trường hợp, trách nhiệm của giảng viên trong việc đóng góp vào sự phát triển của sinh viên có thể mâu thuẫn với trách nhiệm của giảng viên đối với các tổ chức khác như nhà trường, ngành học, hay xã hội nói chung. Ví dụ, điều này có thể xảy ra khi một sinh viên kém yêu cầu viết thư giới thiệu để theo học ở cấp cao hơn, hay khi một sinh viên có khiếm khuyết về khả năng học tập đề nghị xin được giúp đỡ mà việc này lại đòi hỏi phải điều chỉnh những tiêu chuẩn cho điểm hay điều kiện tốt nghiệp thông thường. Giảng viên lúc đó phải cân nhắc tất cả những trách nhiệm mâu thuẫn nhau, có thể tham khảo ý kiến các cá nhân khác để đưa ra một quyết định hợp lý.

Xử lý mối quan hệ với sinh viên

Để tránh xung đột lợi ích, giảng viên tránh có những mối quan hệ kép (dual-role relationships) với sinh viên vốn có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của sinh viên hoặc dẫn tới việc giảng viên thật sự thiên vị hay bị cho là thiên vị sinh viên.
Nguyên tắc này có nghĩa là trách nhiệm của giảng viên là giữ những mối quan hệ của mình với sinh viên tập trung vào các mục đích sư phạm và yêu cầu về mặt học thuật.
Ví dụ rõ ràng nhất về một mối quan hệ kép có nhiều khả năng ảnh hưởng đến tính khách quan của giảng viên và/hoặc ảnh hưởng đến sự phát triển của sinh viên là bất kỳ hình thức quan hệ tình cảm hay quan hệ riêng tư mật thiết nào với một người đang là sinh viên của mình. Các mối quan hệ kép có thể gây rắc rối khác bao gồm: chấp nhận vai trò giảng dạy (hay chấm điểm) cho một người trong gia đình gần gũi, bạn thân, khách hàng, bệnh nhân, hay đối tác trong công việc; thân mật thái quá đối với sinh viên hay nhóm sinh viên bên ngoài lớp học; cho sinh viên mượn tiền hay vay tiền từ sinh viên; tặng quà hay nhận quà; và đưa vào khoá học yêu cầu sinh viên tham gia vào một phong trào chính trị mà giảng viên này ủng hộ. Ngay cả khi giảng viên tin rằng mình giữ được sự công tâm trong những tình huống như trên, việc các sinh viên khác cho rằng có sự thiên vị cũng đã tai hại về mặt giáo dục giống như sự thiên vị hoặc thiếu công tâm thực sự. Nếu giảng viên thật sự có mối quan hệ kép với sinh viên, ngay cả khi đã cố gắng không để điều đó xảy ra, thì giảng viên đó phải có trách nhiệm thông báo với người giám sát càng sớm càng tốt để sắp xếp người khác hướng dẫn hoặc đánh giá kết quả học tập cho sinh viên này.
Mặc dù có những lợi ích rõ ràng về mặt sư phạm trong việc thiết lập những mối liên hệ tốt với sinh viên và tiếp xúc với sinh viên cả trong và ngoài lớp học, nhưng có những nguy cơ nghiêm trọng về việc lợi dụng, hạ thấp tiêu chuẩn học thuật, và gây nguy hại tới sự phát triển của sinh viên. Giảng viên có trách nhiệm ngăn không cho những nguy cơ này trở thành những xung đột lợi ích thực sự hoặc khiến người khác nghĩ như vậy.

Bảo mật


Điểm số, phiếu đánh vắng, và các trao đổi cá nhân được xem là những thông tin mật, và chỉ được công bố nếu có sự đồng ý của sinh viên, hoặc vì những mục đích học thuật chính đáng, hay nếu có các cơ sở hợp lý để tin rằng việc công khai những thông tin đó sẽ có ích cho sinh viên hay sẽ ngăn được mối nguy hại đối với người khác.
Nguyên tắc này nghĩa là sinh viên có quyền hưởng mức độ bảo mật trong mối quan hệ với giảng viên ngang với mức bảo mật trong quan hệ luật sư-khách hàng hay bác sĩ-bệnh nhân. Vi phạm nguyên tắc bảo mật trong quan hệ giảng viên-sinh viên có thể làm sinh viên mất lòng tin ở giảng viên và giảm động lực học tập. Bất kỳ quy định hay chích sách nào được áp dụng liên quan đến việc bảo mật các thông tin của sinh viên đều phải được công bố đầy đủ cho sinh viên từ đầu học kỳ.
Nếu không có cơ sở đầy đủ (ví dụ, được sinh viên đồng ý, có mục đích chính đáng, hay có lợi cho sinh viên), thì bất kỳ việc nào sau đây cũng đều bị coi là vi phạm nguyên tắc bảo mật: cung cấp các tài liệu về kết quả học tập của sinh viên cho một người có thể là người tuyển dụng lao động, nghiên cứu viên, bàn bạc về điểm số hay các vấn đề học thuật của sinh viên với một giảng viên khác; và sử dụng các thông tin trao đổi riêng tư với sinh viên làm tài liệu giảng dạy hay nghiên cứu...


Tôn trọng đồng nghiệp


Giảng viên đại học tôn trọng phẩm giá của đồng nghiệp mình và làm việc trong sự cộng tác với đồng nghiệp để thúc đẩy sự phát triển của sinh viên.
Nguyên tắc này có nghĩa rằng trong những tương tác giữa đồng nghiệp với nhau liên quan đến việc giảng dạy, mối quan tâm bao trùm là sự phát triển của sinh viên. Nếu có thể thì những bất đồng giữa đồng nghiệp với nhau liên quan đến việc giảng dạy nên được giải quyết riêng và không để ảnh hưởng đến sự phát triển của sinh viên. Nếu giảng viên nghi ngờ đồng nghiệp của mình không đủ năng lực hay vi phạm đạo đức giảng dạy thì người này có trách nhiệm tìm hiểu vấn đề này một cách thấu đáo và tham khảo ý kiến riêng với đồng nghiệp đó trước khi có bất cứ hành động nào khác.
Một biểu hiện cụ thể của việc không tôn trọng đồng nghiệp là khi trong lớp học, giảng viên đưa ra những nhận xét không có lý do xác đáng nhằm hạ thấp năng lực của một giảng viên khác, hoặc giáo sư A nói với sinh viên rằng các thông tin do giáo sư B cung cấp vào năm trước là không có ích gì và sẽ bị thay bởi thông tin của giáo sư A hiện đang dạy khoá học đó…

Đánh giá sinh viên phù hợp

Xét tầm quan trọng của việc đánh giá kết quả học tập của sinh viên trong giảng dạy đại học cũng như trong cuộc sống và sự nghiệp của sinh viên, các giảng viên có trách nhiệm thực hiện các bước thích hợp để bảo đảm việc đánh giá sinh viên là đúng đắn, cởi mở, công bằng, và phù hợp với các mục tiêu của khoá học.
Nguyên tắc này có nghĩa là giảng viên ý thức được về những ưu khuyết điểm của các phương pháp đánh giá khác nhau và dựa vào đó để lựa chọn những cách đánh giá cho điểm sinh viên phù hợp với các mục tiêu của khoá học, càng chính xác và càng đáng tin cậy càng tốt.
Thực hiện nguyên tắc này, cách thức đánh giá và các tiêu chuẩn cho điểm phải được thông tin rõ ràng đến sinh viên khi bắt đầu khoá học, và không được làm khác đi so với những điều đã thông báo, trừ những trường hợp đặc biệt. Những bài thi, bài luận, và bài tập của sinh viên được cho điểm cẩn thận và công bằng thông qua một hệ thống chấm điểm hợp lý mà sinh viên có thể hiểu được. Giảng viên cung cấp cho sinh viên nhận xét chính xác và kịp thời về việc học của sinh viên một cách thường xuyên trong suốt khóa học, kèm theo giải thích về cách cho điểm và những gợi ý mang tính xây dựng về việc làm thế nào để sinh viên có thể học tốt hơn. Giảng viên cần giữ sự công tâm và khách quan khi viết thư giới thiệu sinh viên.

Tôn trọng nhà trường

Vì những lợi ích đối với sự phát triển của sinh viên, giảng viên đại học ý thức và tôn trọng các mục tiêu, chính sách, và tiêu chuẩn giáo dục của cơ sở nơi mình giảng dạy.
Nguyên tắc này có nghĩa giảng viên chia sẻ trách nhiệm tập thể, cùng làm việc vì lợi ích của nhà trường nói chung, đề cao những mục tiêu và tiêu chuẩn giáo dục của nhà trường, và tuân thủ những chính sách và quy định của trường liên quan đến việc giáo dục sinh viên.
Những ví dụ cụ thể về việc không thực hiện nguyên tắc tôn trọng nhà trường bao gồm việc tham gia quá mức vào các công việc bên ngoài trường đại học mà gây xung đột với những trách nhiệm giảng dạy đại học; và không nhận thức được hoặc không tuân thủ những quy định của nhà trường về việc cung cấp đề cương khoá học, về sắp xếp lịch thi, hay về các hành vi học thuật sai trái.

Tô Diệu Lan dịch

Nguồn: Báo Tia Sáng

(Tác giả: Harry Murray, Eileen Gillese, Madeline Lennon, Paul Mercer, và Marilyn Robinson)
about-star