Sinh viên phải có tư duy phản biện

Tác giả: ĐH Quốc tế Bắc Hà

Phương pháp đào tạo, kỷ luật học đường, tư duy phản biện là những chủ đề mà Báo Sinh Viên Việt Nam đã trao đổi cùng Gs Huỳnh Hữu Tuệ - Hiệu trưởng trường ĐH Quốc tế Bắc Hà, hôm thứ ba 23/5/2010.

 

GSTueVì sao cử nhân Đại học của chúng ta chưa được đánh giá cao? Có phải do chất lượng sinh viên?

Kết quả kỳ thi tuyển sinh Đại học, Cao đẳng, chúng ta chỉ có 30% thí sinh là học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông đạt điểm sàn. Đây là phần trí tuệ “vượt trội” hơn so với mặt bằng lớp trẻ nói chung. Nếu lực lượng này mà chưa đủ trình độ để thành công ở đại học, thì chỉ có hai cách cắt nghĩa: hoặc dân tộc Việt Nam không có đủ trí tuệ để phát triển, hoặc hế thống đào tạo cấp đại học của Việt Nam không có chất lượng. Lịch sử và thực tiển cho thấy người Việt Nam rất thông minh, lại cần cù. Vậy ta phải kết luận thế nào? Ta chỉ có thể kết luận là chất lượng giáo dục đại học của ta chưa cao, khó được chấp nhận trên thế giới không phải do sinh viên mà chính là do nơi đào tạo họ.

Nơi đào tạo, là các trường Đại học có điểm gì làm thầy phải băn khoăn?

Theo tôi, một trường Đại học muốn cho “ra lò” những sản phẩm chất lượng cao thì phải hội đủ ba điều kiện: môi trường giáo dục, đội ngũ cán bộ và phương pháp đào tạo. Cả ba điểm này đều khiến tôi băn khoăn cho giáo dục ở nước ta.

Môi trường giáo dục, nhìn vào các trường đại học hiện nay, bạn thấy gì? Đó là cơ sở vật chất còn yếu kém, không đủ điều kiện phục vụ học tập cho sinh viên. Đội ngũ cán bộ là các giảng viên vì “miếng cơm manh áo” phải chạy sô, dạy thêm trường này lớp kia để tăng thu nhập. Trong những người đó, có mấy ai còn giữ đủ tâm huyết để giảng dạy và chú trọng đến từng cá nhân sinh viên. Hơn nữa, chất lượng của đội ngũ này lại tiếp tục là kết quả của vòng luẩn quẩn trong giáo dục của nước ta. Tức là giảng viên cũng có tư duy phụ thuộc vào sách vở chứ không phải một trí thức độc lập. Quan trọng nhất là phương pháp đào tạo thì bị ảnh hưởng nặng nề của hai điều kiện trên nên thường diễn ra theo hướng “thầy đọc trò chép”,  khiến sinh viên thụ động trong việc tiếp thu kiến thức.

Nhưng Việt Nam vẫn có những sinh viên xuất sắc đấy chứ?

Xuất sắc là gì? Nếu là một tấm bằng đỏ thì trường nào cũng có. Ở đây tôi hiểu ý bạn muốn nói đến những cử nhân sau khi ra trường trở thành những cá nhân xuất sắc, có đóng góp cho xã hội. Thật ra, những bạn trẻ này, bản thân họ đã rất giỏi rồi, tức là dù ở đâu họ cũng trở nên nổi bật và thành công, chứ không phải nhờ trường Đại học xây nền móng giúp họ phát triển. Một trường Đại học tốt còn phải giúp sinh viên này thăng hoa về trí tuệ hơn nữa. Có như vậy Việt Nam mới có những điểm sáng trên bản đồ trí tuệ thế giới.

Nói thẳng ra, hầu hết các trường Đại học đang “bỏ mặc” sinh viên của mình. Bạn giỏi thì cứ giỏi mà yếu vẫn hoàn yếu. Đại học cho bạn cái ghế để ngồi và sau 4 năm cấp cho bạn một cái bằng, đủ để chứng nhận bạn đã ngồi trên ghế đó. Có một thực trạng là học sinh phổ thông “cày” rất chăm chỉ để đỗ vào một trường Đại học và khi đã là sinh viên, họ cho rằng đó là thời gian để “xả hơi”.

Thực ra tôi thấy giáo dục công ở Việt Nam đang lãng phí một nguồn tài nguyên trí tuệ lớn vì các bạn vào ĐH với điểm số cao song chưa chắc có đủ điều kiện để lĩnh hội tốt hệ thống kiến thức làm nền tảng cho sự nghiệp sau này.

 

Kỷ luật học tập trong trường ĐH

Thầy làm gì với những sinh viên có tâm lý thích “xả hơi” này?

Biểu hiện của những sinh viên này là lười nhác trong học tập. Tôi không trách các bạn vì có thể ở bậc phổ thông bạn chưa được giáo dục đúng cách. Lười nhác ắt dẫn đến việc học tập yếu, đã yếu lại càng làm nản chí và tiếp tục nhác hơn nữa. Chính vì vậy, phương pháp của tôi là bước đầu dùng mọi cách để bắt sinh viên phải học. Những sinh viên không tự học, tôi thuê giáo viên dạy thêm giờ cho những sinh viên này. Khi giảng bài tôi không ghi bài lên bảng cho chép mà bắt sinh viên phải nghe, phải hiểu và phải trả lời được khi tôi chỉ định bất kỳ. Tôi cũng cho kiểm tra “siêu tốc” liên tục, thời gian làm bài chỉ khoảng 10 phút, ngắn đến nỗi sinh viên không kịp có ý định quay cóp. Khi đã luyện theo cách ấy rồi, sinh viên nào “sống sót” được sẽ có những thay đổi tích cực. Số ít còn lại không theo được thì câu trả lời có ngay trong kết quả học tập hàng năm. Ví dụ sau hai năm học, sinh viên không tích lũy đủ 1,6 điểm tín chỉ sẽ bị đuổi học. Tôi phấn đấu con số sinh viên này dưới 10% là rất mừng rồi.

Thay đổi tích cực của những bạn sinh viên sau khi được đưa vào kỷ luật học tập như thế nào?

Một là bạn biết được khả năng của mình thực ra không đến nỗi “tệ” và có hứng thú học tập hơn. Hai là việc rèn luyện bắt sinh viên phải đi vào một cái nếp, kỷ luật học tập cao, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng học tập của sinh viên.

Vậy những sinh viên khá giỏi thì nên được “đối xử” ra sao trên giảng đường Đại học?

Với những sinh viên này, bản thân họ đã có tố chất và tinh thần học hỏi cao nên tự họ đã tạo sức bật cho chính mình. Nhiệm vụ của trường Đại học là làm thế nào cung cấp cho họ một môi trường học tập tốt để tinh hoa trí tuệ được phát huy tối đa. Ví dụ như tại trường Đại học quốc tế Bắc Hà, sinh viên được học tập trong môi trường theo tôi là khá lý tưởng ở Việt Nam: phòng học rộng rãi, mát mẻ, trang thiết bị hiện đại, phòng máy tính, thư viện. Trong lớp học, các bạn có quyền được đối thoại, phản biện với các giảng viên để rèn luyện tư duy độc lập cho bản thân. Còn thêm một việc nữa để khuyến khích các bạn học tập là học bổng. Sinh viên xuất sắc tại ĐH Bắc Hà được hưởng học bổng là 6 triệu đồng/kỳ. Và trong năm tới, chế độ học bổng sẽ được điều chỉnh: sinh viên xuất sắc mỗi học kỳ sẽ được học miễn phí học kỳ tiếp theo.

Nếu có người nói rằng điểm đầu vào của trường ĐH Bắc Hà thấp thì chất lượng đầu ra cũng chỉ ở mức tương tự, thầy sẽ nói sao?

Tôi không đồng tình với ý kiến trên. Sinh viên vào ĐH Bắc Hà có thể có điểm thi tuyển không cao; nhưng với một môi trường tích cực và với phương pháp giảng dạy như tôi vừa trình bày, họ được rèn luyện qua một quá trình chặc chẽ; do đó quá trình học tập của họ hoàn toàn là thực chất. Tôi tin rằng sinh viên đã có được điểm sàn để bước vào cổng trường ĐH thì đều có thể thành công nếu có quyết tâm và cố gắng. Qua 3 năm ở trường, tôi đã chứng kiến nhiều sự thay đổi rõ rệt theo hướng tích cực của các bạn sinh viên ở đây. Tuy chưa có lứa sinh viên nào ra trường (ĐH Bắc Hà mới tuyển sinh chính thức 2 lần) nhưng chúng tôi cố gắng và hy vọng đầu ra sẽ phải hơn đầu vào “một cái đầu” cả về nhận thức và tư duy.

Đánh giá khách quan nhất về chất lượng học tập của chúng tôi sẽ là của những “khách hàng” của ĐH Bắc Hà – những công ty, doanh nghiệp sử dụng nhân lực là cử nhân tốt nghiệp ĐH của chúng tôi.

 Trách nhiệm của một trí thức

Điểm yếu nhất của sinh viên Việt Nam hiện nay là gì?

Là thái độ thụ động trong học tập. Điều này đã được nhắc đến khá nhiều rồi nhưng tình hình không khả quan hơn là mấy. Nguyên nhân vẫn là do phương pháp đào tạo, cách giảng dạy “thầy đọc – trò ghi” đã trở nên lạc hậu. Ở trường ĐH Bắc Hà, chúng tôi cố gắng tạo ra cho sinh viên một môi trường giáo dục mở, để các bạn có thể tự do bàn luận và phản biện với tất cả giảng viên hoặc phản biện lẫn nhau.

Nhưng tư duy phản biện cần phải rèn luyện mới có được chứ đâu phải cứ cho sinh viên tự do là họ sẽ phản biện? Và phản biện thế nào là đúng cách?

Một sinh viên sẽ có ích cho xã hội khi bạn học thực sự để trở thành một người có khả năng tư duy độc lập, nâng cao khả năng tư duy phản biện và khả năng sáng tạo. Khả năng sáng tạo phụ thuộc khá nhiều vào tố chất cá nhân; nhưng tư duy độc lập và tư duy phản biện lại phụ thuộc nhiều vào chất lượng đào tạo và học tập của môi trường giáo dục. Việc cho sinh viên tự do bày tỏ quan điểm đã là một yếu tố quan trọng và là bước đầu để phát triển tư duy phản biện. Ngoài ra, như tôi nói ở trên là cách rèn rũa sinh viên vào một kỷ luật học tập nghiêm túc. Khi các bạn đã có kiến thức thì bạn cũng đặt thông tin mà giảng viên truyền dạy dưới góc nhìn đa chiều, từ đó sẽ nảy sinh tư duy phản biện.

Phản biện đúng cách là phản biện phải có căn cứ, logic chứ không phải cứ “nói bừa”, nếu không lập luận của bạn sẽ trở thành “ngụy biện”. Mà  không có gì tệ hại hơn một lập luận ngụy biện. Tại Đại học Quốc tế Bắc Hà, có môn học “Phương pháp tư duy phản biên”, để giúp sinh viên nắm rõ phản biện là gì, cơ sở khoa học của tư duy phản biện và làm thế nào để phát triển tư duy phản biện.

Thầy có lời khuyên nào dành cho sinh viên nói chung để họ có thể tự rèn luyện tư duy phản biện của mình không?

Thứ nhất các bạn phải tự tìm cho mình sự say mê, hứng thú trong học tập. Làm được điều này không có cách gì khác hơn là các bạn phải rộng lòng đón nhận kiến thức, nghĩa là học càng nhiều càng tốt. Tôi nghĩ đã là con người, và nhất là sinh viên thì càng được học sẽ càng “mê” kiến thức mà thôi. Thứ hai các bạn phải chuẩn bị một kế hoạch học tập cụ thể. Kế hoạch nghĩa là có sự chuẩn bị trước. Ví dụ, ở lớp học giảng viên không yêu cầu nhưng biết thầy ngày mai sẽ dạy kiến thức A thì phải đọc và nghiên cứu về kiến thức này trước khi lên lớp. Đọc và nghiên cứu cả trong giáo trình và từ các nguồn tài liệu khác có thể. Khi lên lớp là lúc bạn đã hiểu về nó rồi và đây là lúc để bạn đưa những ý kiến, quan điểm của mình chứ không phải là lúc bắt đầu tiếp nhận kiến thức.

Sự phát triển cao nhất của trí tuệ nằm ở cách tiếp cận vấn đề. Trách nhiệm của một trí thức là áp dụng tất cả những kiến thức thu lượm được trong quá trình học tập để đưa ra những lựa chọn hay những quyết định dựa trên những phân tích và tư duy phản biện.

Xin cảm ơn thầy!

about-star
about-star